CHƯƠNG TRÌNH GIAO LƯU VĂN HÓA HÀN- VIỆT
KỈ NIỆM NGÀY HANGEUL 2024
Viết bởi Lê Thị Kim Ngân
Chiều ngày 30 tháng 10, tại Hội trường Khoa Sư phạm, Trường THPT Thực hành Sư phạm phối hợp với Học viện King Sejong Cần Thơ tổ chức buổi “Giao lưu văn hóa Hàn- Việt kỉ niệm ngày Hangeul 2024” nhằm lan tỏa các giá trị tốt đẹp về văn hóa Việt Nam và Hàn Quốc. Đây cũng là dịp để học sinh trường THPT Thực hành Sư phạm có cơ hội hiểu biết nhiều hơn về lịch sử hình thành bảng chữ cái Hàn Quốc, những nét đặc sắc trong văn hóa của xứ sở kim chi.
Đến với buổi giao lưu, các bạn học sinh được tìm hiểu về ngày Hangeul qua phần giới thiệu của Giáo viên đến từ Hàn Quốc. Với sự thân thiện của Thầy cùng các bạn phiên dịch đến từ Học viện, các bạn học sinh trường THPT Thực hành Sư phạm hiểu thêm về lịch sử hình thành của bảng chữ cái Hàn Quốc. Trong suốt thế kỷ XV, người Hàn Quốc chủ yếu sử dụng chữ Hán để viết, tuy nhiên vì tiếng Hàn rất khác với tiếng Trung về mặt ngữ pháp nên việc viết tiếng Hàn bằng chữ Hán là một nhiệm vụ rất khó khăn. Do đó, trong giai đoạn này, phần lớn chỉ có giới thượng lưu ở Hàn Quốc mới biết chữ. Năm 1443, Vua Sejong quyết định rằng sẽ tốt nhất cho Hàn Quốc nếu ngôn ngữ Hàn có bảng chữ cái riêng. Vì vậy, vị vua vĩ đại này đã bắt đầu biến suy nghĩ thành hiện thực, cho đến năm 1444, bảng chữ cái mới đã được hoàn thành. Chữ Hàn Hangeul được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận là di sản văn hóa thế giới vào năm 1997. Hangeul được đánh giá là chữ viết mang tính logic và khoa học nhất thế giới. Lễ hội chữ Hàn, còn gọi là Ngày Hangeul (한글날) ở Hàn Quốc. được tổ chức vào ngày 9 tháng 10 hàng năm từ năm 2013 để kỉ niệm việc sáng lập ra bảng chữ cái tiếng Hàn và được Chính phủ Hàn Quốc phê duyệt là một trong những ngày quốc lễ.
Ảnh: Giới thiệu văn hóa Hàn Quốc
Sau phần tìm hiểu về lịch sử bảng chữ cái Hangeul, các bạn học sinh còn được cung cấp thêm một số kiến thức về văn hóa Hàn Quốc như đồ truyền thống Hanbok, ẩm thực Hàn,…
Điểm ấn tượng của chương trình đó là phần trang trí lên áo, túi tote. Trong hoạt động này, các bạn học sinh thể hiện được sự sáng tạo và khéo léo khi vẽ lên các sán phẩm bằng bút màu. Các sản phẩm đặc sắc nhất được ban tổ chức lựa chọn và trao tặng những phần quà ý nghĩa. Có thể thấy, hoạt động này đã để lại những kỉ niệm khó quên cho các thành viên tham dự chương trình. Hầu hết các sản phẩm đều lấy ý tưởng từ vẻ đẹp văn hóa của hai đất nước và sự giao lưu, hội nhập văn hóa Hàn- Việt.
Ảnh: Các sản phẩm ấn tượng của hoạt động trang trí lên áo, túi tote
Một hoạt động khác vô cùng thú vị trong chương trình là phần giới thiệu và thưởng thức các món ăn trong văn hóa Hàn – Việt. Các món ăn, nước uống được Ban tổ chức bày trí khéo léo quanh một chiếc bàn lớn để giới thiệu đển các bạn học sinh. Có thể kể đến các món ăn, thức uống tiêu biểu của Hàn Quốc như kimbap, kim chi, gà rán, sữa gạo,… và những loại bánh dân gian quen thuộc của người Việt như bánh chuối, bánh khoai mì, gỏi cuốn,…
Sau phần thưởng thức ẩm thực là phần giao lưu văn nghệ ở cuối chương trình. Với sự năng động và tự tin, các bạn học sinh của trường THPT Thực hành Sư phạm đã mang đến những tiết mục vô cùng hấp dẫn, đặc sắc gồm: nhảy hiện đại trên nền nhạc Hàn Quốc, tiết mục đơn ca nhạc Việt, đơn ca bài hát bằng Tiếng Pháp. Tiết mục song ca bài hát Let it go bằng tiếng Anh khép lại chương trình giao lưu với sự hứng khởi và niềm vui cho tất cả các thành viên tham dự.
Có thể thấy, chương trình giao lưu đã mang lại một sân chơi bổ ích, lý thú cho tất cả các bạn học sinh tham gia. Hoạt động đã để lại nhiều kỉ niệm đẹp trong lòng người tham dự chương trình. Đồng thời, hoạt động đã góp phần gắn kết và thúc đẩy sự giao lưu văn hóa giữa Việt Nam và Hàn Quốc cho các bạn học sinh ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường.