Tàu hũ nước đường - món ăn tuổi thơ
Bài: Hà Hoàn Mỹ B2K7
Gánh hàng rong dường như đã đọng lại trong tâm hồn mỗi con người một nét đẹp thanh giản bình dị đến lôi cuốn. Nhưng để đọng lại đến tận dư vị và sâu đậm bên trong ký ức thì phải nói đến gánh tàu hũ nước đường nơi ven chợ mà chúng ta đâu đó đã vô tình lãng quên trong dòng chảy của những bữa tiệc buffet thịnh soạn của người lớn, những món sơn hào hải vị hào nhoáng, xa hoa.
Được kết hợp từ sự mềm mịn thanh mát của tào hũ, cộng với vị ngọt đậm của nước đường và mùi thơm nồng nhẹ của mấy lát gừng mỏng. Tất cả hòa quyện lại tạo nên một bát tào hũ lúc này không còn chỉ là một món ăn mà còn như một bàn tay xoa dịu lũ trẻ thơ trong cái nắng gay gắt của những buổi trưa hè.
Vậy tàu hũ bắt nguồn từ đâu?
Ảnh minh họa
Dựa vào một sự tích của Trung Quốc, đậu hũ được tạo ra khi một đầu bếp quyết định thử nghiệm nêm nếm vào vào món đậu nành hấp. Đậu hũ là kết quả từ sự kết hợp cùng muối biển nigari. Muối biển nigari ngày nay vẫn được áp dụng trong quá trình làm đậu hũ.
Khi ăn tàu hũ nước đường, ta hầu như không cần phải nhai nhiều hay cắn mạnh, trẻ nhỏ thường ngậm lại trong miệng lâu hơn để tận hưởng cảm giác mềm mịn, sánh của tào hũ và vị ngọt lịm đọng lại.
Thông thường thì tàu hũ miền Nam đặc hơn, sánh hơn tàu hũ ở miền Bắc và miền Trung (được gọi là đậu hũ và tào phớ) có thể có cả nước cốt dừa cho thơm. Ở Sài Gòn, cách thưởng thức tàu hũ cũng rất sáng tạo, không chỉ phổ biến cách ăn thông thường như ở miền Bắc và miền Trung, mà còn phổ biến nhiều cách thưởng thức khác như là tàu hũ dầm với nước đá, nước dừa… gọi là tàu hũ đá. Có những nơi họ còn ăn tàu hũ với nhiều món phụ khác như trân châu, thạch, hạt sen, long nhãn nữa.
Ảnh minh họa
Thực ra, tàu hũ nước đường xuất hiện như một hồi ức đẹp khiến cho người ta dù cho có nếm qua bao nhiêu món ngon, của lạ hay đã từng thử qua bao nhiêu sơn hào hải vị thì món ăn này cũng độc chiếm 1 vị trí đặc trong lòng của chúng ta như 1 phần của tuổi thơ và 1 phần của con người ta vậy.