"Con chim se sẻ nó đẻ cột đình

Bà ngoại đẻ má, má đẻ ra mình.."

---

MÁ CỦA MẸ

(Quân Phạm)

Ngoại tôi ra đi vào một buổi chiều tháng chạp, cậu Năm tay cầm chén thuốc nam, tay lay lay ngoại gọi dậy để uống thuốc, miệng vừa kêu má ơi má à sao giờ còn ngủ, nhưng má - tức ngoại tôi – không bao giờ dậy nữa. Trong hố mắt sâu im lìm hằn vết chân chim là sự nhẹ nhõm. Cuối cùng, tôi cũng thấy ngoại thực sự được nghỉ ngơi.

Đám mất của ngoại buồn thôi là buồn, chiếc xe tang lăn bánh xiêu vẹo trên con đường cát trắng miền Trung, gió bấc thốc từng cơn vào lòng nghe buốt rát. Từng lời kinh của đoàn hộ niệm đưa tiễn ngoại theo gió đi xa, len lỏi vào từng rặng phi lao rì rào. Tôi vẫn nhớ hình ảnh mẹ tôi - một người đã mạnh mẽ xốc vác lo liệu cho hậu sự ra sao, nhưng khi người ta hạ quan lại ngồi thụp xuống đất, vừa lạy vừa nấc không thành tiếng, nước mắt nhỏ xuống huyệt sâu từng giọt ngắn dài. Đến tận bây giờ mẹ vẫn còn tâm sự với tôi: “Cả đời mẹ chỉ ân hận nhất là không lo cho ngoại tử tế, vì nhà mình nghèo quá”. Chữ “nghèo” rơi ra trên môi mẹ tôi nhỏ dần, như sợ phải dằn thêm nỗi đau vào một nỗi đau khác.

Ngoại tôi sinh ra thời kỳ đất nước còn bom rơi đạn lạc, khoảng thời gian đó hầu như ai cũng khổ, nhưng qua những câu chuyện ngoại kể, từ “khổ” dường như nó chưa đủ diễn tả hết. Dòng họ bên mẹ tôi có truyền thống làm nghề bán cháo lòng, cái gánh cháo nặng oằn được bà Cố chuyền vai khi ngoại còn rất trẻ, mỗi ngày ngoại phải dậy từ hai giờ sáng, đi bộ mười hai cây số để gánh lòng về luộc, rồi rang gạo nấu cháo... Thuở ấy điện đóm còn thiếu thốn, trên con đường chập chờn lau sậy chỉ có tiếng chân bước trơ trọi và cây đèn dầu hột vịt treo đầu gánh le lói trong đêm. Trong suy nghĩ non nớt của những đứa cháu, những câu chuyện ma ngoại kể bên gánh cháo hồi trẻ luôn có sức hấp dẫn lạ kỳ, và mỗi khi câu chuyện được kết thúc bằng việc ngoại tôi…bỏ chạy đều đem lại sự hụt hẫng cho mấy đứa nhỏ, đứa nào cũng chê ngoại nhát gan không dám đứng lại để chiến đấu…với con ma. Trong hình dung mà đám cháu mong đợi, bà tụi nó phải đứng lại cầm đòn gánh chiến đấu kiên cường như…Tề Thiên cầm gậy Như Ý. Mãi đến sau này vất vả mưu sinh, đi sớm về khuya một mình, tôi mới thấy thương bà thân gái dặm trường.

Ngoại hồi xưa giỏi giang, lại siêng năm làm lụng nên cũng nhiều người qua mời trầu cau Cố - mấy cậu tôi kể vậy - nhưng Cố bảo để ngoại tôi tự lựa chọn hạnh phúc cho riêng mình. Rồi trong một buổi chợ sớm, ngoại tôi gặp một nửa cuộc đời. Ông tôi khi đó là quân nhân của chế độ cũ, trên đường hành quân từ Huế tình cờ gặp nhau rồi bén duyên chồng vợ. Ông bà tôi có cả thảy năm người con, mẹ tôi thứ ba. Có một người đàn ông bên cạnh đỡ đần, chặng đường mưu sinh của Ngoại cũng đỡ chênh vênh.

Vợ chồng chưa đầu bạc răng long thì thế cuộc đổi dời, để tránh liên lụy cho gia đình, sau năm 75 ông lặng lẽ bỏ ra tận đất Phú Yên rồi biệt vô âm tín, chỉ còn lại bà cùng bầy con nheo nhóc. Tôi lúc đó còn chưa ra đời, nhưng qua lời kể của mẹ thì ngoại héo hắt, ít nói ít cười, cũng may bên cạnh ngoại còn có mẹ và các cậu quây quần, tiếng khua chén đũa bên mâm cơm chiều cũng sưởi ấm lòng đôi chút.

Cuộc sống đơn chiếc sau đó mỗi ngày mỗi cơ cực hơn, vì mẹ tôi là con gái duy nhất trong nhà nên được ưu tiên đi học, các cậu nghỉ học làm lụng, mỗi người một tay tiếp sức cho mẹ bước vào cánh cổng trường Y, thời đó nhà nào có con học hết Tú Tài đã là một niềm hãnh diện. Ngoại tôi chọn ở vậy không đi thêm bước nữa, gửi gắm hạnh phúc nhờ con mình viết tiếp, dựng vợ gả chồng cho từng người. Ngoại chẳng có gì để cho các con mình, chỉ cầm tay các cậu rồi rưng rưng: "Tại má nghèo quá…"

Mẹ tôi lo học hành nên lập gia đình sau cùng, nhưng rồi mẹ gặp ba tôi trong một hội diễn dân công miền Trung, bước chân qua thềm đỏ rực xác pháo, mẹ bỏ lại giấc mộng ngành Y. Ngoại buồn nhưng không ép, chắc ngoại cũng nghĩ như Cố, hạnh phúc để mẹ tự tìm. Thời gian đầu ba tôi cũng làm ăn khấm khá, nhưng từng biến cố như từng đợt sóng dữ cuốn đi bao êm đềm. Không nhà cửa không tài sản, gia đình tôi dọn về sống ở nhà thờ bên nội, ba mẹ tôi làm đủ thứ nghề để nuôi chị em tôi khôn lớn. Ba có khi đi làm đạo tỳ đám ma, khi xuống bến đò bốc vác kiếm cơm qua ngày, mẹ ở nhà lo cơm nước và may vá cho người ta. Ngoại tôi không biết đạp xe, vẫn giữ thói quen đi bộ chục cây số để đến thăm và đem quà bánh cho chị em tôi trong chiếc giỏ nan. Chiếc giỏ làm bằng cói đã cũ mòn, ngoại để trong đó nào trầu cau, thuốc rê, vôi… mỗi lần lục giỏ ngoại mùi trầu non ngai ngái tỏa ra, đọng lại cay nồng nơi sống mũi.

Những lúc ngoại qua thăm, tôi thấy mẹ như cây tre già gặp gió, ngồi bên cạnh níu lấy ngoại mà thở than. Có một điều mà tôi ấn tượng nhất, đó là chưa bao giờ nghe ngoại dằn vặt mẹ tôi vì lựa chọn của mẹ. Người nhà quê không biết ủi an, cũng chẳng nói lời hoa mỹ, nhưng ngoại có cách riêng để xoa dịu những nhọc nhằn mà mẹ trải qua. Nhiều lúc mẹ tủi thân khóc, ngoại cũng chỉ thở dài mà nói, nhìn lên mình không bằng ai, nhìn xuống mấy ai bằng mình, nghe con...

Ngoại tôi chịu nỗi đau kẻ đầu bạc tiễn kẻ đầu xanh hai lần, lần đầu khi cậu Hai tôi nhập ngũ và hy sinh trên chiến trường Campuchia từ trước khi tôi được sinh ra. Lần thứ hai là lúc cậu Út tôi bị tai nạn ngoài biển, tôi vẫn hình dung ra dáng ngoại lưng còng ngồi trên bộ ngựa gỗ, đau đáu nhìn người ta đem cậu tôi về trong manh chiếu lạnh. Cầm nải chuối xanh dằn lên bụng con mình, mắt ngoại buồn như tượng, không khóc mà cũng chẳng nói năng. “Nước mắt chảy từ con mắt là thứ thường thôi”… ừ thì người ta nói vậy.

Cậu Út tôi nằm xuống để lại hai đứa con trai, thằng Bi theo mẹ về quê, thằng Nhí ở lại. Ngoại dọn về ở bên căn nhà lá liêu xiêu của cậu và sống với thằng Nhí, nuôi nấng dạy dỗ nó nên người. Nhà cậu tôi ở nơi hẻo lánh, vách lá không ngăn nổi từng lọn gió thổi qua cánh đồng hoang, ngọn đèn trên bàn thờ leo lét theo từng tiếng Nam Mô thổn thức.

Từ sau khi mẹ tôi đi lấy chồng, ngoại đã nghỉ buôn gánh bán bưng, sống nhờ con cái chu cấp và tiền mẹ liệt sĩ mỗi tháng mấy trăm ngàn (mà ngoại thường hay nói cậu Hai dù mất cũng còn nuôi ngoại). Các cậu và mẹ tôi ai cũng nghèo khó nhưng mỗi người một ít gửi qua gạo đường mắm muối, ngoại tự trồng rau cỏ quanh nhà, có gì ăn nấy.

Có lần tôi cùng mẹ đi chợ mua thật nhiều đồ ăn, chưa kịp mừng thì thấy mẹ sang ra cả một giỏ đầy để đem qua cho ngoại, tôi còn nhỏ không suy nghĩ được nhiều, chỉ biết hờn mẹ vì thời đó nhà còn thiếu thốn trăm bề, tôi thì còm nhom. Bị mẹ la, tôi cố khóc to cho ngoại thấy, ngoại nghe được không trách, chỉ dỗ dành tôi và rầy mẹ: “Má ăn được nhiêu đâu mà bây đem nhiều qua làm chi rồi bỏ uổng, đem về bớt!” Tôi – trẻ con hả hê vì nghĩ là mình đã chiến thắng, để rồi sau này tôi – trưởng thành giận mình sao mà nông cạn.

Năm tháng trôi qua, ngoại tôi càng ngày càng già yếu, những khớp xương từng oằn mình cõng cả bầy con giờ đây bắt đầu lên tiếng. Biết con cháu ai cũng khó khăn, ngoại cố giấu bệnh cho đến khi trượt chân té giữa thềm rêu ướt. Thằng Nhí mếu máo, nước mũi tèm nhem chạy xe đạp đi gọi bác Năm ơi cô Ba ơi. Kể từ đó ngoại tôi không đi lại được nữa, chỉ nằm một chỗ. Mẹ tôi khóa cửa nhà cậu Út, đưa ngoại và thằng Nhí về ở nhà cậu Năm tôi để tiện chăm nom cho đến ngày ngoại qua đời. Căn nhà đó đến nay vẫn nằm trên vườn cũ, cỏ dại mọc um tùm, mỗi lần đi ngang tôi vẫn hình dung dáng ngoại khệnh khạng súc khạp đựng nước mưa bên chái nhà, tiếng gáo cọ vào đáy khạp nghe xao xác.

Mỗi năm giỗ ngoại, mẹ ngồi rất lâu nhìn lên bàn thờ có tấm ảnh ngoại miệng còn đỏ màu trầu, mà người ta cắt ghép từ cái hình chụp chung với đám cháu Tết năm nào. Mẹ tôi cũng mang nhiều ân hận, nói cho cùng cũng vì chữ nghèo nên chữ hiếu chẳng thể vẹn tròn. Có lần ngoại đau chân xức nhiều dầu gió, mẹ cằn nhằn trong vô ý: “Má xài sao mà hao, con mới mua đây mà hết rồi”. Để rồi sau này ngoại mất, mẹ tôi cầm chai dầu còn chưa vơi ngay đầu giường ngoại mà khóc thôi là khóc. “Những câu đáng nói thì vì vô tâm , khờ dại nên không nói, những câu không đáng nói thì cũng vì vô tâm, dại khờ nên đã nói rồi, không lấy lại được..”

Sau này chị Hai tôi yên bề gia thất, tôi đi làm cũng có đồng ra đồng vô, gia đình dần bước qua thời cơ cực. Mẹ càng lớn tuổi thì càng giống ngoại, từng cử chỉ lời nói, tôi cũng không lấy gì làm lạ. Mà giống nhất cái khoản cần kiệm, chưa bao giờ tôi dẫn mẹ đi ăn ngon hay mua sắm gì mà mẹ không cằn nhằn sao mắc quá, uổng ghê. Mọi thứ tôi mua đều có thể quy ra “buổi chợ” của mẹ, giá cái áo này mẹ đi chợ được ba ngày, giá cái quần kia mẹ đi chợ được cả tuần... Tôi không biết những bà mẹ khác như thế nào, nhưng qua bóng hình bà ngoại và mẹ, tôi chỉ thấy sao mà những người phụ nữ xứ mình khổ quá, chỉ biết chắt mót lo cho chồng cho con suốt cả cuộc đời.

Gần đây dịch giã hoành hành ở quê, mẹ tôi cũng không tránh khỏi, tôi sốt vó lo thuốc thang, sợ người già khó chống chọi. Sau khi mẹ hết bệnh, nghe người ta bày ăn yến nhanh hồi phục sức khỏe, tôi chẳng nói trước mà mua về chưng cho mẹ ăn, mẹ giận tôi học đâu kiểu tiêu pha của nhà giàu. Lâu sau mẹ đem lên để bàn thờ ngoại, đốt một nén nhang, giọng mẹ trầm xuống: Hồi ngoại con bệnh mẹ cũng muốn mua này mua kia tẩm bổ, mà mẹ và các cậu không đủ điều kiện, chỉ buồn là “khi sống thì chẳng cho ăn, đến khi thác xuống làm văn tế ruồi” thì có ích gì đâu. Tôi thấu hiểu nỗi lòng của mẹ, nên tôi chẳng màng nhà cửa cao sang, chỉ nếu mai này chẳng may mẹ về với ngoại, thì việc duy nhất tôi mong là mình không còn gì phải ân hận.

Mỗi khi rằm tháng Bảy về, tôi bước bên cạnh mẹ vô chùa cầu an, trên ngực áo tôi cài bông hồng đỏ thắm, mẹ cũng lẳng lặng xin một bông màu trắng. Hai mẹ con quỳ dưới chân tượng Phật, từng lời kinh Vu Lan theo tiếng mõ đều đều nghe buồn tê tái.

“Điều thứ ba thâm ân nuôi dưỡng,

Cực đến đâu bền vững chẳng lay,

Thứ tư ăn đắng nuốt cay,

Để dành bùi ngọt đủ đầy cho con…”

Khói nhang ai đốt sao cay xè mắt.

Nguồn: facebook Nguyễn Ngọc Tư

 

Thông tin mới

Bản đồ

Câu lạc bộ

Số lượt truy cập

1926999
Hôm nay
Tuần này
Tháng này
Tất cả
557
7550
20016
1926999

Lịch Phòng máy

Buổi

Tiết

Thứ 2

Thứ 3

Thứ 4

Thứ 5

Thứ 6

Thứ 7

S

Tiết 1

11B2

11D1

11A1

12A3

Tiết 2

11B2

11D1

11A1

12B1

Tiết 3

12B2

12B1

12B2

12D1

Tiết 4

12D1

11A2

11B1

11A3

Tiết 5

12A3

11A2

11B1

11A3

Tiết 1: Từ 7 giờ 00 phút đến 7 giờ 45 phút.

Tiết 2: Từ 7 giờ 50 phút đến 8 giờ 35 phút.

Giải lao: 20 phút.

Tiết 3: Từ 8 giờ 55 phút đến 9 giờ 40 phút.

Tiết 4: Từ 9 giờ 45 phút đến 10 giờ 30 phút.

Tiết 5: Từ 10 giờ 35 phút đến 11 giờ 20 phút.

Trường THPT Thực hành Sư phạm
Địa chỉ: Khu II, đường 3/2, p. Xuân Khánh, q. Ninh Kiều, TP. Cần Thơ
Số điện thoại: 02923.734758 - 02923.734759
Email: thptthsp@ctu.edu.vn