CHINH PHỤC ĐIỂM CAO MÔN ĐỊA LÍ TRONG KỲ THI THPT 2021 

ThS. Quan Văn Út – Giáo viên Địa Lí, Trường THPT Thực hành Sư phạm

     Kỳ thi THPT đang đến gần, việc ôn tập trong giai đoạn về đích có ý nghĩa rất lớn. Nhằm giúp các em học sinh chọn thi khối KHXH có môn Địa lí đạt kết quả cao trong kỳ thi này. Với kinh nghiệm 11 năm ôn thi THPT và đại học, tôi xin chia sẻ một số điểm lưu ý thí sinh khi ôn tập môn Địa lí:

 1.  Cần xác định rõ mục tiêu điểm số cần đạt

Để đạt được điểm cao môn Địa lí là cả quá trình học tập và rèn luyện. Vì vậy, theo năng lực của bản thân mà các em học sinh sẽ đặt cho mình mục tiêu điểm số cần đạt. Dựa trên cấu trúc đề tham khảo của Bộ giáo dục và đào tạo công bố vào ngày 31/3/2021, học sinh sẽ xác định được những nội dung trọng tâm cần ôn tập, mức độ phân hóa của đề thi và đưa ra được phương pháp ôn tập phù hợp nhằm đạt mức điểm số mục tiêu ban đầu.

 2.  Nắm chắc cấu trúc đề thi năm 2021 dựa trên đề tham khảo của Bộ Giáo dục và Đào tạo 

      Cấu trúc đề thi tham khảo với sự phân hóa số câu hỏi trong từng nội dung ôn tập và cả mức độ phân hóa độ khó cũng được thể hiện sẽ giúp học sinh có chiến lược ôn tập hợp lí. Đề thi THPT môn Địa lí năm nay gồm có cấu trúc như sau:

CẤU TRÚC ĐỀ THPT MÔN ĐỊA LÍ NĂM 2021 THEO ĐỀ THAM KHẢO

 

Chủ đề

Nhận biết

Thông hiểu

Vận dụng thấp

Vận dụng cao

Tổng

Địa lí tự nhiên

2

1

 

1

4

Địa lí dân cư

 

2

 

 

2

Địa lí ngành kinh tế

2

4

1

 

7

Địa lí vùng kinh tế

1

1

4

2

8

Kỹ năng Atlat

15

 

 

 

15

Biểu đồ

 

1

1

 

2

Bảng số liệu

 

1

 

1

2

Tổng

20

10

6

4

40

Điểm

5.0

2.5

1.5

1.0

10.0

-   Phạm vi kiến thức:

 +   Đề thi có 40 câu trắc nghiệm: phần lý thuyết hoàn toàn thuộc chương trình địa lí lớp 12.

 +   Lý thuyết có 21 câu, gồm các chuyên đề: Địa lí tự nhiên (4 câu), Địa lí dân cư (2 câu), Địa lí các ngành kinh tế (7 câu), Địa lí vùng kinh tế (8 câu)

 +   Kĩ năng Địa lí có 19 câu, trong đó: 15 câu Atlat Địa lí Việt Nam, 2 câu bảng số liệu và 2 câu về biểu đồ.

-   Độ khó và sự phân bổ kiến thức:

     +   Câu hỏi được sắp xếp với mức độ khó tăng dần từ câu 41 đến câu 80, đảm bảo 2 mức độ phù hợp với mục tiêu của kì thi Tốt nghiệp THPT và xét tuyển đại học: 75% cơ bản (nhận biết, thông hiểu) + 25% nâng cao (vận dụng và vận dụng cao). Vì vậy học sinh không khó để đạt được điểm 7,5. 

     +   Phần nâng cao tập trung vào 2 chuyên đề Địa lí các ngành kinh tế và Địa lí các vùng kinh tế, từ câu số 71 trở đi, mức độ khó có tăng lên gắn với các câu hỏi tìm hiểu nguyên nhân, ý nghĩa, tác động đến sự phát triển kinh tế - xã hội của ngành hoặc vùng kinh tế.

 -   Chiến lược ôn tập để đạt điểm số kỳ vọng:

 +   Học sinh muốn đạt điểm 5 chỉ cần nắm chắc cách sử dụng Atlat Địa Lí Việt Nam để trả đúng 15 câu, biết chọn loại biểu đồ phù hợp và nhận xét bảng số liệu, biểu đồ, nắm 1 số công thức địa lí căn bản.

 +  Học sinh muốn đạt mức điểm 6 đến 8 cần nắm thêm kiến thức căn bản của các chuyên đề tự nhiên, dân cư và ngành kinh tế.

 +   Học sinh muốn đạt mức điểm 8 trở lên cần nắm chắc kiến thức căn bản đế nâng cao các nội dung, đặc biệt là các câu hỏi vận dụng của đề thi sẽ tập trung vào phần vùng kinh tế. Ngoài kiến thức căn bản trong SGK, học sinh cần trang bị cho mình khả năng tư duy hệ thống và có khả năng liên hệ thực tế, cập nhật tốt các vấn đề nổi bật về kinh tế - xã hội của các vùng kinh tế của nước ta. Để có cơ hội chọn đúng đáp án đúng trong các câu hỏi vận dụng cao học sinh cần thường xuyên cập nhật kiến thức qua việc đọc báo, xem thời sự …

 3. Khai thác hiệu quả Atlat Địa Lí Việt Nam để lấy điểm tuyệt đối

       Việc khai thác tốt Atlat Địa lí Việt Nam không chỉ giúp học sinh trả lời đúng 15 câu trong đề thi năm nay, mà còn là công cụ quan trọng giúp học sinh nắm chắc kiến thức lý thuyết. Các câu hỏi về Atlat Địa lí Việt Nam năm nay khá đơn giản, học sinh chỉ cần cẩn thận và làm tốt theo quy trình như sau:- Bước 1: Đọc kỹ câu hỏi, gạch chân trang và yêu cầu của câu hỏi (nội dung hoặc đối tượng được hỏi). 

- Bước 2: Mở đúng trang yêu cầu và tìm ký hiệu trong phần chú thích hoặc ở trang ký hiệu chung (trang 3) .

- Bước 3: Xác định đối tượng được hỏi trên bản đồ (Lưu ý: cần kết hợp với trang 4,5 nếu như chưa xác định được tỉnh, thành phố hoặc cần kết hợp trang 17 nếu chưa xác định được vùng kinh tế).

 - Bước 4: Loại bỏ các đáp án sai và chọn đáp án đúng nhất.

Lưu ý học sinh:

 

- Để làm chính xác câu hỏi Atlat học sinh cần thường xuyên thực hành, trong quá trình làm bài cần hết sức cẩn thận, tỉ mỉ, chỉ cần 1 sự chủ quan và ẩu tả sẽ dẫn đến việc chọn sai.

- Hiện nay trên thị trường có xuất hiện Atlat lậu không chuẩn xác ở 1 nội dung, vì vậy học sinh cần lựa chọn Atlat chính hiệu ở các nhà sách uy tín. Atlat Địa lí VIệt Nam chính hiệu có trang bìa nhựa màu tươi sáng, chữ “NHÀ XUẤT BẢN GIÁO DỤC VIỆT NAM” in mảnh, logo in chìm, không rõ. Còn Atlat Địa Lí Việt Nam lậu trang bìa có bìa nhựa nhòe, tối màu và chữ “NHÀ XUẤT BẢN GIÁO DỤC VIỆT NAM” in đậm, logo in nổi rõ.

4. Rèn luyện kỹ năng thực hành với bảng số liệu và biểu đồ

Đề thi sẽ có 4 câu về kỹ năng này, học sinh muốn làm bài được cần nắm chắc các kỹ năng nhận dạng biểu đồ, kỹ năng nhận xét và các công thức địa lí căn bản để lựa chọn đáp án chính xác.

-   Dạng 1: cho bảng số liệu thống kê yêu cầu chọn loại biểu đồ phù hợp, học sinh cần nhận dạng nhanh được 5 dạng biểu đồ căn bản sau: 

+ Biểu đồ Cột thường thể hiện “Giá trị” “Quy mô” của 1 đối tượng địa lí với đơn vị cụ thể. Thường thì bảng số liệu cho đối tượng địa lí nào thì câu hỏi yêu cầu vẽ biểu đồ thể hiện đúng đối tượng địa lí đó. 

Ví dụ: Cho “diện tích” với đơn vị “nghìn ha” yêu cầu vẽ biểu đồ thể hiện “diện tích”... 

+ Biểu đồ Đường biểu diễn tốc độ tăng trưởng của một đối tượng địa lí: Bảng số liệu phải là “1 chuỗi thời gian” và yêu cầu vẽ biểu đồ có cụm từ thể hiện “tốc độ tăng trường”…

+ Biểu đồ Kết hợp thường thể hiện “2 đối tượng địa lí trở lên” với “2 đơn vị đo khác nhau” và yêu cầu bảng số liệu bắt buộc “là 1 chuỗi thời gian”. 

+ Biểu đồ Tròn thường thể hiện tổng thể của 1 đối tượng địa lí, cụ thể đề bài có cụm từ “Cơ cấu” hoặc “Quy mô và cơ cấu” với 3 mốc thời gian trở xuống hoặc 3 tổng thể trở xuống. 

+ Biểu đồ Miền thường thể hiện sự thay đổi của tổng thể đối tượng địa lí, cụ thể đề bài có cụm từ. 

“Cơ cấu”, “Sự thay đổi cơ cấu” hoặc “Sự chuyển dịch cơ cấu” với 4 mốc thời gian trở lên. 

-   Dạng 2: cho bảng số liệu yêu cầu tính toán căn bản và chọn nhận xét đúng. Với dạng này học sinh cần nắm được một số công thức tính toán địa lí như tính mật độ dân số, tính tỉ lệ gia tăng dân số tự nhiên, tính tỉ trọng trong tổng thể, tính tốc độ tăng trưởng, tính tăng nhanh hoặc tăng chậm, tính tăng nhiều hoặc tăng ít, tính năng suất, tính cán cân xuất nhập khẩu … Sau khi tính toán căn bản học sinh sẽ lựa chọn đáp án đúng dựa trên kết quả. 

-   Dạng 3: cho biểu đồ yêu cầu xác định nội dung của biểu đồ (chính là đặt tên cho biểu đồ). Học sinh chỉ cần nắm chắc các từ khóa dạng 1, xác định đơn vị và xem bảng chú thích của biểu đồ sẽ chọn được đáp án đúng. 

-   Dạng 4: cho biểu đồ yêu cầu chọn nhận định đúng, học sinh sẽ căn cứ vào biểu đồ để nhận xét từng 

đáp án và chọn đáp án đúng. 

Trên đây là những cách thức tiếp cận đơn giản nhất, để học sinh nhạy bén và làm tốt, nhanh cần thường xuyên thực hành với các dạng bài tập rèn luyện. 

5.  Học lý thuyết có trọng tâm và phương pháp tiếp cận từ khóa 

Để học tốt phần lý thuyết địa lí lớp 12 làm bài trắc nghiệm khác quan, học sinh không nên học bài theo kiểu truyền thống là thuộc từng câu từng chữ. Để nắm được kiến thức nhanh và hiệu quả cần chọn lọc được các từ khóa căn bản của từng nội dung kiến thức. Từ những từ khóa đó, học sinh có thể xây dựng sơ đồ tư duy hoặc sơ đồ hóa kiến thức, dùng nhiều màu mực khác nhau để xác định được đâu là kiến thức căn bản, đâu là kiến thức nâng cao. Như vậy thì học sinh mới hệ thống hóa được kiến thức địa lí trong đầu và khi làm trắc nghiệm, chỉ cần nhìn vào câu hỏi và đọc các đáp án có thể tái hiện nhanh kiến thức và chọn đúng. Kinh nghiệm thực tiễn cho thấy, học sinh đọc kỹ câu hỏi và xác định được chính xác yêu cầu (hiểu câu hỏi) thì gần như đã nhớ ra và nhận ra được đáp án đúng đối với các câu hỏi mức độ biết và hiểu. Riêng đối với câu hỏi vận dụng thì đòi hỏi học sinh có khả năng tư duy và liên hệ kiến thức vào thực tế và cập nhật tốt tình hình kinh tế - xã hội và các vấn đề nổi bật của địa lí Việt Nam.

6.  Tăng cường luyện đề thi theo cấu trúc đề tham khảo của Bộ Giáo dục và Đào tạo 

Việc thi thử trong những ngày ôn thi cuối cùng có vai trò rất quan trọng, đó là giai đoạn để thí sinh hoàn chỉnh kiến thức và kỹ năng làm bài, kỹ năng đánh trắc nghiệm, kỹ năng phân phối thời gian làm bài. Nói chung là sau quá trình luyện đề nghiêm túc sẽ giúp học sinh có được chiến thuật làm bài hợp lí để đạt được kết quả tốt nhất. Một số lưu ý thí sinh trong giai đoạn luyện đề: 

-  Chọn nguồn đề tham khảo đúng cấu trúc với đề tham khảo, được biên soạn chuẩn kiến thức, tác giả và nhà xuất bản uy tín. 

-  Tâm lý làm đề thi thử như thi thật: cả việc chọn vị trí làm đề, tô phiếu trả lời trắc nghiệm, trạng thái sức khỏe, thời gian hợp lí, số lượng đề làm trong ngày… tất cả đều phải được thực hiện nghiêm túc và đúng kế hoạch đặt ra. 

-  Chấm điểm và rút kinh nghiệm từng câu sai để khắc sâu kiến thức và rút kinh nghiệm cho bản thân. Đối với những câu không giải đáp được cần phải tham khảo ý kiến bạn bè và thầy cô đề được bổ sung kiến thức kịp thời. 

Để đạt điểm số cao ở môn Địa lí trong kỳ thi THPT sắp tới là cả quá trình học tập và rèn luyện của bản thân. Trên đây chỉ là một số chia sẻ nhỏ, có thể giúp các em có thêm một số kiến thức và phương pháp ôn tập hiệu quả. Chúc các em đạt điểm cao như kỳ vọng ở môn Địa lí và hoàn thành tốt kỳ thi Tốt nghiệp THPT năm 2021. 

Thông tin mới

Bản đồ

Câu lạc bộ

Số lượt truy cập

1959408
Hôm nay
Tuần này
Tháng này
Tất cả
751
2859
22071
1959408

Lịch Phòng máy

Buổi

Tiết

Thứ 2

Thứ 3

Thứ 4

Thứ 5

Thứ 6

Thứ 7

S

Tiết 1

11B2

11D1

11A1

12A3

Tiết 2

11B2

11D1

11A1

12B1

Tiết 3

12B2

12B1

12B2

12D1

Tiết 4

12D1

11A2

11B1

11A3

Tiết 5

12A3

11A2

11B1

11A3

Tiết 1: Từ 7 giờ 00 phút đến 7 giờ 45 phút.

Tiết 2: Từ 7 giờ 50 phút đến 8 giờ 35 phút.

Giải lao: 20 phút.

Tiết 3: Từ 8 giờ 55 phút đến 9 giờ 40 phút.

Tiết 4: Từ 9 giờ 45 phút đến 10 giờ 30 phút.

Tiết 5: Từ 10 giờ 35 phút đến 11 giờ 20 phút.

Trường THPT Thực hành Sư phạm
Địa chỉ: Khu II, đường 3/2, p. Xuân Khánh, q. Ninh Kiều, TP. Cần Thơ
Số điện thoại: 02923.734758 - 02923.734759
Email: thptthsp@ctu.edu.vn